14 YẾU TỐ CỦA CÁC CÔNG TY THÀNH CÔNG
Hàng ngày, chúng ta vẫn được nghe không ít các tin tức xấu về số lượng các công ty nhỏ phải đóng cửa hay chuyển dời, tuy nhiên, trên thực tế, mọi chuyện vẫn không đến nỗi tồi tệ như vậy: Hàng năm, có hàng nghìn các công ty nhỏ được thành lập và một tỷ lệ phần trăm khá cao trong số các công ty đó đã học được cách tồn tại trong một vài năm đầu mới hoạt động và dần gặt hái các thành công kinh doanh. Vậy đâu là những lý do đằng sau thành công của các công ty nhỏ? Họ có những điểm chung nào? Dưới đây là 14 điểm chung dẫn tới thành công kinh doanh tại hầu hết các công ty đang ăn nên làm ra.
1/ Văn hoá công ty. Văn hoá được xác định như “một cấu trúc phối kết hợp các kiến thức cá nhân, niềm tin và hành vi vốn phụ thuộc vào khả năng cá nhân để học hỏi và chuyển tiếp những kiến thức đó nhằm duy trì thành công nối tiếp thành công”. Đối với các công ty thành công, văn hoá bao hàm việc thu hút và tuyển dụng các nhân viên - những người sau đó sẽ làm việc tại đây một cách thích hợp nhất và hiệu quả nhất. Và văn hoá còn là việc định hướng các hành vi nội bộ nhằm đảm bảo thành công cho công ty.
2/ Dịch vụ khách hàng. Một cách đơn giản, dịch vụ khách hàng có nghĩa là việc quan tâm chăm sóc các khách hàng của bạn. Nhiều công ty tích hợp dịch vụ khách hàng vào văn hoá kinh doanh thông qua việc đào tạo và thiết kế (tái thiết kế thường xuyên) các quy trình kinh doanh có liên quan. Trong phần lớn các trường hợp, một kế hoạch kinh doanh sẽ diễn giải cách thức các công ty cung cấp dịch vụ khách hàng chất lượng.
3/ Thái độ. Là chủ công ty, bạn phải có một thái độ tích cực và chịu 100% trách nhiệm cho các kết quả kinh doanh của công ty. Khi bạn đón nhận trách nhiệm, bạn có thể hành động để tạo ra những thay đổi cần thiết nhằm đạt được các kết quả như mong muốn. Sau đó, khi gặt hái được thành công, bạn sẽ hào phóng trao sự tín nhiệm này cho những người khác trong tổ chức. Không có ngoại lệ, hầu hết các chủ doanh nghiệp thành công hiểu rằng yếu tố con người là quan trọng nhất: tuyển dụng và giữ chân những nhân viên thích hợp, loại bỏ những nhân viên làm việc không hiệu quả và cung cấp cho các nhân viên những nguồn lực cần thiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
4/ Chiến lược kinh doanh. Một chiến lược phức hợp hay một kế hoạch kinh doanh không phải lúc nào cũng nhất thiết để gặt hái thành thành công. Đôi khi chỉ văn bản tài liệu dài một trang đơn giản cũng có thể làm được điều đó, nhưng nó nên được suy nghĩ tính toán cẩn thận và thực thi chuẩn xác. Một kế hoạch kinh doanh được hoạch định nghèo nàn nhưng được thực thi hiệu quả vẫn tốt hơn nhiều so với một kế hoạch kinh doanh được hoạch định cẩn thận nhưng chỉ được xếp trong ngăn tủ bám bụi. Một kế hoạch marketing tốt sẽ xác định và định hướng các hành động cũng như hành vi của toàn thể công ty. Không có nó, công ty sẽ trở thành một con tàu không bánh lái; nó đơn giản không thể được định hướng và cuối cùng kết thúc đi vòng quanh. Một chiến lược kinh doanh hợp lý nên bao gồm các kế hoạch tài chính, phương pháp tiếp thị và chiến lược sản phẩm cũng như kế hoạch giữ chân nhân viên.
5/ Kỷ luật. Kỷ luật chính là việc thực thi các chiến lược một cách nghiêm túc và đúng đắn nhất. Nó thể hiện sự tập trung vào các thị trường cốt lõi và đánh giá thành công của các chiến lược kinh doanh. Nó không phải là việc phản ứng thái quá với những thay đổi của thị trưởng hoặc điều chỉnh các chiến lược cốt lõi của bạn để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh doanh.
6/ Rủi ro và mạo hiểm. Các chủ doanh nghiệp thành công không bao giờ e ngại đón nhận các rủi ro dự tính với những kết quả rõ ràng trong tâm trí. Phần lớn các chủ doanh nghiệp - những người sẵn sàng đón nhận rủi ro - đều làm như vậy bởi vì họ nhận ra sự cần thiết phải thay đổi khi môi trường kinh doanh thay đổi, và họ hiểu rằng sẽ thật tai hại nếu không theo đuổi những thay đổi không ngừng. Các nhà lãnh đạo kinh doanh thành công cũng hiểu rằng để tồn tại trong thế giới kinh doanh họ phải cần đến hoạt động quản lý và phản ứng hiệu quả với những thay đổi khác nhau. Các công ty thành công luôn theo đuổi những thay đổi và phản ứng với các thách thức thị trường, cạnh tranh hay các thay đổi trong điều kiện kinh doanh nói chung.
7/ Bản đồ tài chính. Một đặc tính quan trọng đó là việc xây dựng một bản đồ tài chính và ngân quỹ - sau đó đề ra các nguyên tắc để tuân theo nó. Một kế hoạch tài chính nhắc nhở chủ doanh nghiệp biết phải chi tiêu tiền bạc khi nào và ở đâu, và nó đưa ra các cách thức để đánh giá lợi nhuận hoặc thua lỗ. Một kế hoạch tài chính thích hợp là hòn đá tảng của một kế hoạch kinh doanh tuyệt vời.
8/ Các quy trình kinh doanh. Một trong những đặc tính chung khác của các công ty thành công đó là không ngừng hợp lý hoá các quy trình kinh doanh. Chúng ta gọi điều này là “xây dựng khả năng dự báo trước” (creating predictability). Không may mắn thay, đây dường như lại là một nhiệm vụ ít được các chủ doanh nghiệp quan tâm và hoàn thành nhất. Các quy trình kinh doanh là việc mọi thứ được thực hiện như thế nào trong công ty. Mọi công ty đều có một vài quy trình, một số được xác định rất rõ ràng, trong khi một số tiềm ẩn, khó nhận biết được. Mục đích ở đây là nhằm gia tăng hiệu suất hoạt động và giảm thiểu chi phí trong khi vẫn đạt được các kết quả như mong đợi (hoặc thậm chí tốt hơn). Các công ty thành công hiểu được sự cần thiết của việc cải thiện không ngừng các quy trình kinh doanh của họ: để hiệu quả và thích hợp hơn, và để phản ứng nhanh chóng hơn với những thay đổi của thị trường trong khi vẫn cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các khách hàng.
9/ Công nghệ thông tin. Trong khi công nghệ là rất quan trọng, nó cũng không cần phải quá phức tạp và tốn kém để phát huy hiệu quả. Công nghệ hiệu quả là nhân tố quan trọng nhất đóng vài trò thúc đẩy sự thay đổi mà công ty có thể giới thiệu.
10/ Tiếp thị. Các nỗ lực tiếp thị hiệu quả sẽ thực thi những chức năng khác biệt xung quanh các môi trường bán hàng đơn nhất. Ví dụ, các công ty B2C (business-to-consumer) có những yêu cầu tiếp thị hoàn toàn khác biệt so với các công ty B2B (business-to-business). Việc có được những hiểu biết sâu sắc về những khó khăn và mong muốn của các khách hàng và việc làm thế nào để sản phẩm có thể thoả mãn các nhu cầu đó sẽ giúp bạn biết rõ đâu cách thức tiếp thị hiệu quả nhất tới các khách hàng của bạn - và đó chính là yếu tố quan trọng dẫn tới thành công trong kinh doanh.
11/ Bán hàng. Mỗi công ty có một phương pháp và chiến lược bán hàng riêng biệt. Một số phụ thuộc vào việc xây dựng các mối quan hệ đối tác giới thiệu và các liên minh chiến lược, đây là sự mở rộng của quy trình bán hàng trong công ty. Một số khác tấn công mạnh mẽ vào thị trường với các chiến dịch direct mail, điện thoại và nhiều cách thức liên lạc trực tiếp với khách hàng khác. Phương pháp bán hàng cụ thể mà một công ty sử dụng thường được xác định bởi kế hoạch marketing chung. Các chủ doanh nghiệp thành công biết rằng khái niệm hoạt động bán hàng là một quy trình có thể được đánh giá và cải thiện, giống như tất cả các quy trình kinh doanh khác. Họ bàn bạc về tầm quan trọng của những quy trình bán hàng nhất quán, có thể đánh giá và lặp đi lặp lại. Họ tìm kiếm những nhà đào tạo bán hàng chuyên nghiệp (với sự linh hoạt để tuỳ biến hoạt động đào tạo các nhân viên bán hàng trong công ty) để giúp đỡ xây dựng sự nhất quán trong quy trình bán hàng của công ty.
12/ Đào tạo. Bởi vì chúng ta sống trong một thế giới thay đổi không ngừng, việc xây dựng một nền văn hoá công ty học hỏi liên tục trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đối với nhiều chủ doanh nghiệp thành công, những đầu tư không ngừng vào việc đào tạo luôn là yếu tố quyết định thành công. Tuy nhiên, để hoạt động đào tạo được thực sự thành công, bạn phải có một sự kết nối trực tiếp với kế hoạch kinh doanh và hiểu được hoạt động đào tạo sẽ trợ giúp việc thực thi thành công các kế hoạch kinh doanh như thế nào.
13/ Tập thể các nhà tư vấn. Không có ngoại lệ, bất cứ chủ doanh nghiệp thành công nào đều quan tâm tới việc tìm kiếm các nhà tư vấn đáng tin cậy, họ coi đây là yếu tố cần thiết dẫn tới thành công. Các chủ doanh nghiệp này biết rằng họ không biết rõ mọi thứ và họ không ngừng tìm kiếm các nhà tư vấn có năng lực. Họ thường không ngần ngại trả tiền hậu hĩnh cho các lời khuyên của các nhà tư vấn bởi vì họ đang tìm kiếm một ai đó chuyên sâu, có khả năng giúp họ trở nên đáng tin cậy hơn, đưa ra những câu hỏi quan trọng và giới thiệu họ những người khác có thể giúp đỡ khi cần thiết.
14/ Sự cân bằng cuộc sống/công việc. Các chủ doanh nghiệp thành công hiểu rằng mỗi một cá nhân chỉ có 1440 phút trong một ngày và làm thế nào để sử dụng quãng thời gian này một cách hiệu quả nhất, tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh tăng trưởng trong khi vẫn đảm bảo sức khoẻ và tinh thần thoải mái. Các chủ doanh nghiệp thông minh luôn thành công với việc phối kết hợp hài hoà cuộc sống cá nhân vào cuộc sống kinh doanh: Khách hàng nào mua sắm sản phẩm trong ngày hôm này sẽ được mời tham dự một buổi party bên hồ vào cuối tuần sau. Các khách hàng trở thành bạn bè, và đồng nghiệp trở thành gia đình. Những chủ doanh nghiệp đó xây dựng cuộc sống của họ, của nhân viên xung quanh hoạt động kinh doanh, và mọi thứ dường như không thể phân biệt giữa cuộc sống xã hội và cuộc sống kinh doanh.
Dường như, các điểm chung nêu trên tuy chúng không có gì mới mẻ và có vẻ như “Biết rồi khổ lắm nói mãi” song bạn hãy thử nhìn nhận lại công ty của bạn có đầy đủ 14 yếu tố đó chưa. Và chính việc hội tụ linh hoạt những yếu tố đó sẽ đem lại những “trận mưa lợi nhuận” cho công ty của bạn.